TPHCM: Ứng dụng CNTT trong tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước
Sáng 20-12-2013, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà đã chủ trì hội nghị giao nhiệm vụ cho 17 Tổng công ty nhà nước trực thuộc TPHCM triển khai chương trình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hướng tới xây dựng doanh nghiệp điện tử song hành với hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp.

Giao nhiệm vụ tái cơ cấu gắn với ứng dụng CNTT Tái cơ cấu khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để có hoạt động hiệu quả hơn là yêu cầu cấp thiết hiện nay không chỉ với TPHCM mà còn là chỉ đạo từ Chính phủ. Nhằm hỗ trợ các tổng công ty nhà nước tái cơ cấu một cách khoa học, minh bạch và hiệu quả, UBND TP đã chỉ đạo trong đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước tại TPHCM phải có một phần bắt buộc là triển khai ứng dụng CNTT.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà, khoa học công nghệ, trong đó có CNTT là một trong những nhân tố quyết định và đột phá, để giúp tái cấu trúc DN và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố thành công.

Trong thời gian qua các sở ngành TPHCM đã phối hợp xây dựng một chương trình tổng thể, một mô hình tổng thể về triển khai ứng dụng CNTT trong các DNNN thuộc thành phố. Từ năm 2012, TPHCM đã thành lập một đội tư vấn là các chuyên gia nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam và quốc tế, với sứ mệnh giống như "bác sĩ" cho các vấn đề gặp phải từ quản lý, tài chính đến đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp... Trong đó, 249 người khảo sát, đánh giá, xây dựng và phối hợp cùng UBND TP xây dựng chương trình “Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2013 – 2017” nhằm để “khám và bắt bệnh” cho các DNNN.

Trong buổi hội nghị giao nhiệm vụ triển khai chương trình nói trên sáng ngày 20-12-2013, Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà khẳng định: "Trong năm nay và năm sau, UBND thành phố sẽ triển khai mạnh mẽ các đề án tái cơ cấu các tổng công ty trực thuộc nhà nước. Đầu tiên là ứng dụng CNTT vào các doanh nghiệp để đưa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thật sự có chất lượng cao, và đấy là vấn đề DNNN bắt buộc phải làm nhanh chóng trong thời gian tới".

"Trong tháng 1-2014, các tổng công ty phải lên được đề án khung ứng dụng CNTT và chuyển cho Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM thẩm định phê duyệt. Thành phố sẵn sàng hỗ trợ từ chính sách đến kinh phí”, Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà chỉ đạo.

"Về hạ tầng, TPHCM sẵn sàng hỗ trợ trung tâm dữ liệu an toàn, tập trung để doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư, chỉ cần thuê dùng ngay. Để tránh rủi ro, UBND TPHCM sẽ đưa danh sách 17 Tổng công ty vào danh sách bảo vệ hệ thống thông tin tập trung. Thuận lợi của công tác quản lý tập trung sẽ đi kèm với sự an toàn cao nhất. UBND thực hiện chấm điểm các tổng công ty hàng năm, từ năm nay sẽ nhấn mạnh điểm ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó có CNTT. Khi điểm ứng dụng CNTT thấp, kết quả đánh giá chung cũng thấp và ảnh hưởng trực tiếp đến đánh giá năng lực điều hành của các lãnh đạo tổng công ty", Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà cho biết.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TPHCM, với hiện trạng ứng dụng CNTT ở các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, UBDN TPHCM chủ trương phải “Khám sức khỏe” cho các DN, trước tiên là DNNN để có căn cứ triển khai ứng dụng CNTT một cách hiệu quả nhất. Song song với đó là sử dụng CNTT như phương tiện chủ lực triển khai quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong các sản phẩm, dịch vụ mà các doanh nghiệp tạo ra, nhằm kiến tạo một nền sản xuất tiên tiến, có hàm lượng tri thức cao ở thành phố, trong đó DNNN là lực lượng nòng cốt.

Lộ trình của chương trình ứng dụng CNTT trong các DNNN như sau: Năm 2014, TP sẽ tập trung chuẩn đoán bệnh của từng DN và sẽ đưa ra phát đồ điều trị đúng với căn bệnh và phương án áp dụng CNTT thực tế hợp lý cho từng DN chứ không làm đại trà. Năm 2015, bắt đầu xây dựng một nền tảng hạ tầng - các trung tâm dữ liệu tập trung để thuận lợi cho việc triển khai của DN - và trung tâm này đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung.

"Ứng dụng CNTT cũng có tính rủi ro cao, nên Sở TTTT sẽ chọn thí điểm một vài tổng công ty, sau đó nếu đạt yêu cầu, chúng tôi mới áp dụng rộng rãi. Sở TTTT cũng đã góp ý cần phải xây dụng những quy chế, quy trình như là cách lượng giá để đánh giá hệ thống CNTT của tổng công ty. Đây là cơ sở để tổng công ty có thể đánh giá hiện trạng CNTT, cách tổ chức, quản lý vận hành hệ thống trong giai đoạn này, đồng thời là cơ sở để các năm sau chúng ta đánh giá hoàn thiện dần các nội dung này", ông Nguyễn Anh Tuấn, phó giám đốc Sở TTTT TPHCM cho biết.

Chương trình khi được triển khai sẽ mang đến những lợi ích cho DN: Đo lường nhanh chóng kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh từ đó hỗ trợ chỉ đạo điều hành, thu hồi được chi phí cơ hội, nâng cao chất lượng quản lý – nâng cao khả năng cạnh tranh. Ở mặt quản lý, UBND có được các số liệu về phân tích kinh tế vĩ mô; các số liệu hỗ trợ định hướng điều hành kinh tế xã hội; hỗ trợ phân tích hợp tác đầu tư trong nước và quốc tế… từ đó kịp thời hỗ trợ các tổng công ty về chính sách của thành phố.

Định lượng được kết quả ứng dụng CNTT 

Theo ông Phí Anh Tuấn, giám đốc công ty Tư vấn PAT, thực tế tính toán cho thấy nếu mỗi doanh nghiệp lớn giảm vòng quay thu hồi công nợ chỉ  3 ngày/tháng có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng/năm, ví dụ, Tổng công ty Công nghiệp Sài gòn (CNS) có thể tiết kiệm 16,34 tỷ/ năm; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) tiết kiệm 88,67 tỷ/ năm; Bến Thành Group tiết kiệm 25,67 tỷ/năm…

Nhưng để xây dựng DNNN điện tử thành công, chính ban tổng giám đốc phải tham gia hoạch định ứng dụng CNTT và kế hoạch tổng thể ứng dụng CNTT. Điều này đã được minh chứng qua 8 tháng thí điểm với sự hỗ trợ của Sở TTTT TPHCM và tổ tư vấn của công ty PAT tại CNS và quá trình xây dựng đề án khung tại Tổng công ty Điện lực TPHCM.

Tại CNS, lãnh đạo công ty trực tiếp tham gia, thực hiện các công việc cụ thể như dùng các tiêu chí trong ISO- 270005 để đánh giá hiện trạng ứng dụng CNTT. Qua đó, ban tổng giám đốc thấy được các hạng mục cần cải tiến để xây dựng kế hoạch tổng thể; chuẩn hóa được cơ sở hạ tầng ứng dụng CNTT.

Hiệu quả thực tế của CNS khi CNTT được ứng dụng hiệu quả: Giảm bớt thời gian tìm kiếm thông tin; Lưu trữ công văn và văn bản có hệ thống, dễ dàng tra cứu, lưu trữ trong thời gian dài; Giảm bớt thời gian quản lý và điều hành; Giảm bớt thời gian hướng dẫn các quy trình tác nghiệp lặp đi lặp lại; Giảm bớt chi phí in ấn và giấy tờ, không chiếm không gian lưu trữ giấy tờ; Giảm rủi ro thất lạc các tài liệu; Giảm bớt chi phí đầu tư cho nhiều phần mềm đơn lẻ…

Lực lượng chuyên gia CNTT của TPHCM sẵn sàng cho chương trình xây dựng doanh nghiệp điện tử.

“Chúng tôi tin rằng khi lãnh đạo các tổng công ty ý thức một cách rất rõ và thấy được cái lợi mà ứng dụng CNTT mang lại, biết được là sẽ phải thực hiện những nội dung gì và biết được cách thức làm như thế nào, lúc đó tất cả các lãnh đạo sẽ yên tâm và thấy rằng việc đầu tư của mình không quá nhiều rủi ro và nó mang lại hiệu quả đầu tư rất lớn", ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Chương trình xây dựng DNNN điện tử cho thấy thành phố hỗ trợ các DNNN của thành phố hiểu rõ trạng thái phát triển hiện tại của mình, những hạn chế cần khắc phục, những giải pháp cần áp dụng để thực hiện tái cấu trúc DN, từng bước vươn lên trình độ tiên tiến, hiện đại. Việc DN tiếp nhận và triển khai ứng dụng theo phác đồ điều trị này như thế nào là việc của DN. Các cơ quan chức năng của thành phố với vai trò của mình sẽ hỗ trợ, hướng dẫn, tham mưu cho DN lựa chọn những nhà tư vấn chuyên nghiệp, có trình độ đáp ứng yêu cầu để triển khai theo cơ chế thị trường.

Xem chi tiết trên trang HCM CityWeb

Huyền Sa

Nguồn:(Nguồn: HCM CityWeb)